Tự hào " Tân Trào" Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến

Có những dòng lịch sử mà thời gian không thể xóa nhòa, đó là khu di tích lịch sử Tân Trào. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam Tân Trào - Tuyên Quang là một địa danh thân thiết, thiêng liêng, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Khu căn cứ cách mạng Tân Trào là một vùng đất rộng lớn, rừng núi đại ngàn, có địa giới tiếp giáp các xã thuộc 6 huyện, 3 tỉnh giữa lòng Việt Bắc.

 Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tân Trào vinh dự là Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm căn cứ địa cách mạng của cả nước – nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở, làm việc và lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công. Nợi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại quyết định vận mệnh của dân tộc: Từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, tại khu rừng Nà Nưa, xã Tân Trào, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã phát động và lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền, thành lập Uỷ ban khởi nghĩa, ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc; trong hai ngày từ ngày 16 đến ngày 17-8-1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào-tiền thân của Quốc hội Việt Nam họp tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nhất trí tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa, thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc-tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch, quy định quốc kỳ, quốc ca; dưới bóng đa Tân Trào lịch sử, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, chỉ huy đơn vị Giải phóng quân tiến về Hà Nội. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi từ Tân Trào, hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy làm nên chiến thắng của Cách mạng Tháng Tám, đưa dân tộc ta tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

     ( Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Tân Trào năm 1995)

     Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tầm nhìn chiến lược về cách mạng và cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đã chỉ đạo tiếp tục củng cố, xây dựng căn cứ cách mạng tại Tuyên Quang. Do hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, một lần nữa, lịch sử giao phó cho Tân Trào - Tuyên Quang sứ mệnh là Thủ đô kháng chiến, nơi Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và 65 bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương (trong đó có 13/14 bộ và cơ quan ngang bộ) đóng trụ sở làm việc tại 146 địa điểm trên địa bàn tỉnh để lãnh đạo của cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Tại Tân Trào, trung tâm đầu não lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc đã  ra đời các quyết sách quan trọng của Đảng trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội. Những hình ảnh thân thương, những kỷ niệm sâu sắc về vị cha già kính yêu của dân tộc còn in đậm trong trái tim và tâm khảm của các thế hệ cán bộ cách mạng và đồng bào Tuyên Quang. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: Xây dựng, phục vụ, chiến đấu bảo vệ Thủ đô kháng chiến, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        ( Lán Nà Nưa, Xã Tân Trào)

  Nói về Tân Trào - Tuyên Quang, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta như: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đều khẳng định: Tuyên Quang là Thủ đô kháng chiến. Và trong chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tại xã Kim Bình năm 2011, nơi cách đây 66 năm về trước đã diễn ra Đại hội đại biệu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: Tuyên Quang có quyền tự hào là Thủ đô kháng chiến, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và nhiều cơ quan Trung ương đã đặt trụ sở làm việc. Đây là nơi phát nguồn những tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

         ( Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí cảnh vệ tại Vực Hồ - Khấu Lấu, xã Tân Trào)

Với truyền thống của quê hương cách mạng - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, ngày 10 tháng 5 năm 2012 một niềm vinh dự lớn đã đến với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang nói chung và Khu di tích lịch sử Tân Trào nói riêng, Chính phủ đã chính thức xếp hạng Khu di tích lịch sử Tân Trào là Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là vinh dự, tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của khu di tích  để nơi đây thực sự trở thành  nơi giáo dục truyền thống và lịch sử, là “địa chỉ đỏ” trên hành trình tham quan của du khách trong nước và quốc tế.

Nguyễn Thị Hải


Bài viết liên quan